Đặc điểm Ngựa_thồ

Ngựa thồ chở củi

Một con ngựa thồ có sức khỏe có thể chở trên lưng 100 kg. Giàm ngựa chở thắt bằng dây tra loại lớn hơn giàm ngựa cỡi, không dùng róc rách mà dùng hai đoạn cây gỗ dài độ tấc rưỡi, bằng ngón tay cái, gọi là róng. Nơi cổ có mang chiếc chuông nhỏ, khi ngựa đi, ngẩng lên, cúi xuống, lắc đầu phát ra tiếng leng keng leng keng. Ngựa chở dùng kiều mộc, bằng gỗ, thắng đái, hậu thu và choàng hầu (choàng từ kiều qua phía trước ức ngựa – ngựa cỡi không cần) đều đan bằng sợi mây chẻ nhỏ vót mỏng[1].

Trên kiều mộc còn có cái ngàm. Khi không chở hàng thì bỏ ngàm ra và lót bao bố lên đây ngồi. Ngựa thồ vẫn còn khá nhiều và thường được sử dụng để chuyên chở thuốc lá, cau dừa cho các lái buôn Trung Quốc trong nội địa Việt Nam hoặc để chở muối lên vùng cao. Không hiếm khi ta thấy trên đường nông thôn hay trên quốc lộ những đoàn dài ngựa thồ hàng chất cao đến oằn lưng, dây cương lằng nhằng và theo sau là nhiều chú ngựa non không được chăm sóc cẩn thận[1].

Dụng cụ để chở hàng: chở các loại hạt ngũ cốc dùng đôi vịt (bằng sợi mây vót mỏng đan kín), có khi dùng bao bố, chở các loại quả lớn như thơm, mít dùng đôi giỏ thưa, chở thuốc lá, rễ giún… thì hai bên hai kiện. Khi chở hàng người đi sau ngựa để nhắc chúng ở những đoạn đường khó. Bảo ngựa cẩn thận hô “bướ bước”, bảo ngựa đi thật chính giữa đường hô “xanh, xanh”, bảo ngựa chú ý tránh các chướng ngại vật hai bên, qua chỗ hẻm hẹp thì hô “lách, lách”, đứng lại là “họ” (thường nói một tiếng kéo dài)[1].

Ở Việt Nam vào thời chống Pháp những người có ngựa chở lập thành đội gọi là “đội mã tải”, mỗi năm cả người chủ và ngựa phải thi hành bao nhiêu ngày công nghĩa vụ theo quy định để chở lương thực tại địa phương và đi dân công vận tải vào Khánh Hòa, lên Tây Nguyên. Đến nay, có những công trình xây dựng trên núi cao, ngoài máy ra thì chỉ có ngựa thồ mới có thể tiếp cận chở vật liệu, thiết bị máy móc do đó ngựa thồ không bao giờ hết việc. Thường xuyên là chở đường trầm, lúa rẫy, chuối, sắn, bắp, đậu phộng từ núi xuống; chở cá mắm, vật tư nông nghiệp, hàng nhu yếu phẩm từ xuôi lên. Từng nhóm, từng đoàn ngựa thồ phì phò, lặc lè, vô cùng hiệu quả, ít khi có sơ suất, tai nạn xảy ra[1].